Người có công định lệ mùng 10 tháng Ba Lê_Trung_Ngọc

Chính sử Việt Nam có ghi chép thời Hùng Vương quốc đô đặt tại Phong Châu (nay là Bạch Hạc), truyền 18 đời. Đời sau lập miếu thờ các vua Hùng ở núi Nghĩa Lĩnh (tức núi Hùng). Theo Ngọc phả Hùng Vương chép thời Hồng Đức, từ thời Nhà Đinh, Nhà Tiền Lê, Nhà Lý, Nhà Trần rồi đến Hậu Lê, trải các triều đại, lễ tế đền Hùng được liệt vào điển chế thờ tự, giao cho dân sở tại coi sóc. Dân chúng toàn quốc đều đến đây lễ bái.

Cho đến đầu thế kỷ XX, dân chúng đến tế lễ đền Hùng thường tự chọn ngày tốt theo bản mệnh từng người vào các tháng trong suốt cả năm, song tập trung vào mùa xuân và mùa thu chứ không định rõ ngày nào. Tục lệ dân bản xã thì việc cúng Tổ được cử hành vào ngày 12 tháng 3 (âm lịch) hằng năm. Con cháu ở xa về làm giỗ trước một ngày, vào ngày 11 tháng 3 (âm lịch). Lễ cúng tổ thường kết hợp với thờ Thổ công, Thổ địa, Thổ kỳ làm lễ tế Tổ tại Hùng Vương Tổ miếu. Trong khi đó, quốc lễ cúng tế lại thường được tổ chức định kỳ vào vào mùa thu.

Khi đến trấn nhậm Phú Thọ, Tuần phủ Lê Trung Ngọc đã giành nhiều tâm huyết và công sức đôn đốc việc tu bổ, tôn tạo đền thờ Quốc Tổ Hùng Vương. Nhận thấy việc lễ bái tại đền Hùng thường duy trì kéo dài triền miên, gây tốn kém tiền của, lãng phí thời gian lại vừa phân giảm lòng thành kính cũng như sự trang nghiêm tri ân công đức các vua Hùng, đầu năm 1917, ông trực tiếp làm bản tấu trình với Bộ Lễ xin định lệ hàng năm lấy ngày 10 tháng 3 Âm lịch để tổ chức quốc lễ Giỗ Tổ Hùng Vương, trước một ngày so với ngày hội tế Hùng Vương, Thổ công, Thổ địa, Thổ kỳ của dân xã bản hạt; đồng thời cũng xin miễn trừ các khoản đóng góp của nhân dân địa phương vào các kỳ tế lễ mùa thu. Ngày 25 tháng 7 năm 1917 (niên hiệu Khải Định nguyên niên), Bộ Lễ đã phúc đáp bản tấu này, chính thức định lệ ngày 10 tháng 3 âm lịch là ngày Quốc lễ Giỗ Tổ, và cũng quy định rõ nghi thức, nghi lễ, lễ vật tế Tổ hằng năm. Từ đây, lễ Giỗ Tổ mùng 10 tháng Ba trở thành ngày quốc lễ chính thức của Việt Nam và ngày Giỗ Tổ của cộng đồng người Việt trên toàn thế giới.

Mùa xuân năm Quý Hợi, niên hiệu Khải Định năm thứ 8 (1923), tấm bia "Hùng miếu điển lệ bi" dựng tại đền Thượng, Đền Hùng, đã ghi lại sự kiện lịch sử quan trọng này. Nội dung văn bia cũng ghi nhận Tuần phủ Lê Trung Ngọc là người có công đề xuất ngày Quốc tế này.